BREAKING NEWS

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm 2015

Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn năm 2015 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 5 đến 7-4 (nhằm ngày 17, 18 và 19-2 Âm lịch) tại chùa Quán Thế Âm (đường Sư Vạn Hạnh, P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) với nhiều hoạt động phong phú hấp dẫn, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chiêm ngưỡng lễ bái của đồng bào theo đạo Phật và tham quan đi du lịch Đà Nẵng, thưởng thức của khách thập phương. Vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, Lễ hội Quán Thế Âm ngày nay là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc để ngày một sống đẹp hơn...
Thượng tọa Thích Huệ Vinh –  Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Q. Ngũ Hành Sơn, Trú trì chùa Quán Thế Âm, Phó BTC Lễ hội Quán Thế Âm 2015 cho biết: Lễ hội Quán Thế Âm ngày càng được quan tâm đầu tư tổ chức quy mô hơn, với nhiều hoạt động phong phú sôi nổi, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Cùng với các nghi lễ mang đậm màu sắc Phật giáo, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sẽ được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Chính vì thế, lễ hội Quán Thế Âm tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại mang ý nghĩa phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc...
Đến với Lễ hội Quán Thế Âm, du khách còn có dịp thưởng ngoạn thắng cảnh chùa Linh Ứng, nơi đã từng lưu dấu chân xưa của Vua Minh Mạng, thăm động Huyền Không, động Âm phủ, lên cổng trời và được nghe kể về truyền thuyết Rồng vàng ấp năm trứng để ngày nay lưu dấu 5 ngọn núi Ngũ hành Kim sơn, Mộc sơn, Thủy sơn,  Hỏa sơn và ngọn Thổ sơn soi mình bên dòng sông Cổ Cò. Lễ hội còn là dịp để mọi người tìm hiểu truyền thuyết hình thành Ngũ Hành Sơn, Phật tích Quán Thế Âm và lịch sử Thạch nghệ Tổ sư làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Và trên hết là dịp để mọi người, mọi giới cùng hành hương về cội nguồn, nguyện cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, hỷ xả, hướng thiện, gắn Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp... Ông  Lê Hoàng Đức–Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Trưởng BTC Lễ hội Quán Thế Âm 2015 cho biết: Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong thành phố mà là dịp để du khách trong nước và quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử-văn hóa Phật giáo.
Đồng thời chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất Đà Nẵng, đó là danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước-một di sản văn hóa vật thể của dân tộc đang được gìn giữ, lưu truyền và ngày càng phát triển. Đây là những minh chứng sống động, là niềm tự hào của một vùng đất lịch sử - văn hóa của thành phố Đà Nẵng. Lễ hội Quán Thế Âm không chỉ góp phần làm cho hình ảnh Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng đến với đông đảo du khách trong cả nước mà còn vươn xa đến với bè bạn khắp năm châu để quảng bá, mời gọi du khách đến với Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng ngày càng đông hơn. Và qua Lễ hội này, du khách không chỉ biết đến một Đà Nẵng trẻ trung, năng động mà còn biết đến một Đà Nẵng nhân văn và giàu lòng mến khách.
Lễ hội Quán Thế Âm hằng năm thu hút hàng chục ngàn người tham quan, chiêm bái.
Với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn diễn ra tại lễ hội như: triển lãm tranh, ảnh về du lịch và thắng cảnh Non Nước–Ngũ Hành Sơn; hô hát bài chòi khu V; triển lãm mỹ thuật thư pháp – thiền trà; trình diễn nghệ thuật kết hoa lá; lễ tế xuân cầu quốc thái dân an; biểu diễn trống hội và múa tình tường;  biểu diễn hội hoa bức tranh chủ đề “Bách liên Ngũ Hành khai hội – Trăm hoa sen năm màu mở hội”; chương trình nghệ thuật; giao lưu thơ nhạc, hội hoa đăng; pháp đàn Quán Thế Âm; cầu nguyện và thiền tọa; Lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm; hội đua thuyền truyền thống..., Lễ hội Quán Thế Âm–Ngũ Hành Sơn năm 2015 hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân và du khách những khoảnh khắc ấn tượng, thú vị.
Để góp phần vào thành công chung của lễ hội, tạo ấn tượng tốt đẹp cùng hướng đến một lễ hội văn minh, ngoài nỗ lực của các lực lượng chức năng, mỗi người dân và du khách khi đến với lễ hội cần chung tay giữ gìn ANTT, vệ sinh môi trường, bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục, cùng hướng đến một lễ hội văn minh để hình ảnh Ngũ Hành Sơn mãi rực sáng trên bản đồ du lịch của thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.
* Lịch sự kiện:
a. Ngày 5-4 (nhằm ngày 17-2 ÂL):
- Lễ Thượng phan, Thượng lỳ (8 giờ) 
- Khai mạc triển lãm tranh, ảnh du lịch và thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (9 giờ)
- Khai hội Hô hát bài chòi Khu V (11 giờ)
- Triển lãm Mỹ thuật - Thư pháp – Thiền trà – Nghệ thuật kết hoa lá – Biểu diễn trà đạo (14 giờ)
- Lễ Tế xuân cầu Quốc thái dân an (18 giờ)
- Khai mạc lễ hội (19 giờ)
- Giao lưu thợ nhạc, đặc san lễ hội (20 giờ)
- Hội hoa đăng (21 giờ).
b. Ngày 6-4 (nhằm ngày 18-2 ÂL):
- Pháp đàn Quán Thế Âm (8 giờ)
- Biểu diễn võ thuật nội công (14giờ)
- Pháp đàn Quán Thế Âm (15 giờ) 
- Cầu nguyện và thiền tọa (17 giờ 30)
- Hội hoa đăng (21 giờ).
c. Ngày 7-4 (nhằm ngày 19-2 ÂL):
- Lễ chính thức - Nghi lễ phật giáo (7 giờ)
- Hội thi đua thuyền truyền thống (9 giờ) 
- Tham quan, chiêm bái lễ hội (14 giờ)
- Bế mạc lễ hội (19 giờ)
- Hội hoa đăng (21 giờ).

Đăng nhận xét

 
Copyright © 2013 Du lịch Đà Nẵng - Đi du lịch Đà Nẵng 2015
Powered byBlogger